Wednesday, August 29, 2018

Nhớ Mẹ - Đỗ Trung Quân

"Xin tặng cho những ai được diễm phúc còn có Mẹ" 

Con sẽ không đợi một ngày kia
khi mẹ mất đi mới giật mình khóc lóc

Những dòng sông trôi đi có trở lại bao giờ?
Con hốt hoảng trước thời gian khắc nghiệt
Chạy điên cuồng qua tuổi mẹ già nua
mỗi ngày qua con lại thấy bơ vơ

ai níu nổi thời gian?
ai níu nổi?
Con mỗi ngày một lớn lên
Mẹ mỗi ngày thêm già cỗi
Cuộc hành trình thầm lặng phía hoàng hôn.

Con sẽ không đợi một ngày kia
có người cài cho con lên áo một bông hồng
mới thảng thốt nhận ra mình mất mẹ
mỗi ngày đi qua đang cài cho con một bông hồng
hoa đẹp đấy - cớ sao lòng hoảng sợ?


Ta ra đi mười năm xa vòng tay của mẹ
Sống tự do như một cánh chim bằng
Ta làm thơ cho đời và biết bao người con gái
Có bao giờ thơ cho mẹ ta không?
Những bài thơ chất ngập tâm hồn
đau khổ - chia lìa - buồn vui - hạnh phúc
Có những bàn chân đã giẫm xuống trái tim ta độc ác
mà vẫn cứ đêm về thao thức làm thơ
ta quên mất thềm xưa dáng mẹ ngồi chờ
giọt nước mắt già nua không ứa nổi
ta mê mải trên bàn chân rong ruổi
mắt mẹ già thầm lặng dõi sau lưng

Khi gai đời đâm ứa máu bàn chân
mấy kẻ đi qua
mấy người dừng lại?
Sao mẹ già ở cách xa đến vậy
trái tim âu lo đã giục giã đi tìm
ta vẫn vô tình
ta vẫn thản nhiên?

Hôm nay...
anh đã bao lần dừng lại trên phố quen
ngã nón đứng chào xe tang qua phố
ai mất mẹ?
sao lòng anh hoảng sợ
tiếng khóc kia bao lâu nữa
của mình?
Bài thơ này xin thắp một bình minh
trên đời mẹ bao năm rồi tăm tối
bài thơ như một nụ hồng
Con cài sẵn cho tháng ngày
sẽ tới! 
1986
Đỗ Trung Quân  

Mẹ ta nhớ trả về không


Ngày xưa chào mẹ, ta đi
Mẹ ta thì khóc, ta đi thì cười
Mười năm rồi lại thêm mười
Ta về ta khóc, mẹ cười lạ không

Ông là ai thế? Chào ông!
Mẹ ta trí nhớ về mênh mông rồi
Ông có gặp thằng con tôi
hao hao…
tôi nhớ…
nó …người …như ông.
Mẹ ta trả nhớ về không
Trả trăm năm lại bụi hồng…
rồi..
đi…

ĐỖ TRUNG QUÂN

“Êm ả lời ru” – Mẹ trong hồi ức tuổi thơ tôi

Lại nhớ ngày đó khó khăn, thiếu thốn. Vở hiếm lắm, phải cắt những tờ thừa dồn lại đóng thành vở mới. Ngày ấy làm gì có ghim. Bố gấp đôi làm cuốn vở tập viết cho tôi, hàng ngang nay lại thành dọc. Cả buổi mẹ ngồi kẻ từng dòng kẻ bằng bút chì cho tôi. Tôi ngồi bên thấy mẹ rưng rưng nước mắt. Hỏi mẹ khóc à, mẹ bảo, hôm qua thức khuya mỏi mắt, giờ chảy cả nước mắt đây này. Vài hôm sau, mẹ đem về cho thêm vở mới, mấy anh em vui mừng nắm tay quây tròn quanh mẹ hò reo, mẹ cũng vui, cười cùng chúng tôi…



Cả nhà vui đùa nói chuyện xem thời sự chờ mấy chị em dọn dẹp xong để đi hát karaoke. Cũng lâu lâu tôi mới về nhà nên đại gia đình mới có dịp tụ tập. Hôm nay thứ bảy, các cháu được nghỉ nên lại tập trung ăn uống. Chị dâu cả lớn tuổi nhất được miễn dọn, chỉ các em ít tuổi và cháu lớn ra dọn thôi. Nhà tôi phân công tự nhiên truyền thống từ xưa rồi. Chị ngồi xem smartphone trên giường bỗng nói rõ to:
\r\n
– Có ai muốn tham gia thi viết lách gì không? Nhà mình nhiều người biết làm thơ kia mà.
\r\n
– Viết gì mà viết, mẹ nó thì…
\r\n
Anh trai quay ra nói chị, chị là giáo viên cũng hay quan tâm viết báo, cũng được một số tờ đăng thơ và truyện ngắn của chị.
\r\n
– Đây này, trang girly có tổ chức cuộc thi viết về mẹ, Êm ả lời ru, anh bảo yêu thương mẹ mà lần này không viết thì không được. Còn em sẽ viết về mẹ đẻ, chứ viết về mẹ chồng người ta lại bảo nịnh mẹ sau khi xem Sống chung với mẹ chồng bây giờ, mẹ nhờ?
\r\n
Chị quay sang đu cánh tay mẹ đang ngồi bên. Mẹ cười hiền lành, bảo đời mẹ có cái gì mà viết.
\r\n
Chị bảo, viết được hết, hiền hòa, yên lành là niềm mơ ước của mọi người mà. Cả nhà cùng cười, động viên chị viết, chị bảo để dành cho con của mẹ, dâu rể thì về viết mẹ đẻ, chứ không lại bị trùng. Chị cười tít. Cả nhà cũng cười. Ti vi cũng vẫn nói đều đều…
\r\n
Tôi ngẫm nghĩ, nếu viết về mẹ được thì quá hay, nhưng chẳng biết bắt đầu từ đâu.
\r\n
“Từ nhỏ mẹ đã lam lũ, gia cảnh bà ngoại lúc đó rất khó khăn. Người nông dân mới thoát thời địa chủ cực nghèo. Mò cua bắt ốc suốt, mãi đến thời mẹ mới được đi học. Thế nên khi đọc truyện Tấm Cám, tôi thường lấy hình ảnh mẹ tưởng tượng ra cảnh mò cua bắt ốc ngoài các rãnh đồng bùn lầy vương khắp quần áo. Ngày nay chúng tôi cũng không có ai ham học như mẹ. Sau buổi học mẹ phải về trông hàng tạp hóa cho bà. Nói là tạp hóa nhưng chỉ là miếng trầu, quả cau, vài ba nải chuối… trên chợ huyện. Mẹ còn đem cả sách vở theo để học. Tiếc rằng khi lên đến lớp bảy, nhà quá nghèo, lại đông em, nên mẹ xin bà cho nghỉ học, không học lên cấp ba nữa, để mẹ đi làm lấy công ngoài hợp tác xã, nuôi các em…”
\r\n
“Cả đời mẹ đã hi sinh cho chúng tôi, từ miếng ăn, giấc ngủ. Bố tôi đi ra, làm cơ quan nhà nước thời bao cấp, ngày ấy quy định “con ăn theo mẹ”, mẹ lại là nông dân, sức mẹ yếu gầy gồng mình nuôi chúng tôi. Mẹ chẳng ngại khó khăn, mẹ không cho thời gian thở. Mẹ tranh thủ hết ruộng đồng, rồi lại chợ búa, kiếm đồng ra đồng vào…
\r\n
Nhớ có lần bố đi công tác xa lâu ngày, hàng xóm có người nhà ở biển, đem về mấy con cua bể, chúng tôi chơi bên đó nhìn thèm khát. Về kể với mẹ, mẹ nhìn chúng tôi ứa cả nước mắt. Mẹ biên thư bảo bố về dành tiền lương mua cho chúng tôi ăn. Bố chỉ dám mua con cá biển kẹp thanh tre nướng, nhưng cũng to hơn bàn tay người lớn, dài dài. Chúng tôi ăn ngon lành, sung sướng vô cùng. Đến nỗi bẻ cả mấy cái xương ra chép chép. Hỏi sao bố mẹ không ăn, bố mẹ bảo, loại cá biển ăn tanh, khó ăn. Ngày đó tôi thấy cá rô đồng còn tanh hơn cả cá biển. Mấy anh em ăn ngon lành, bảo lần sau bố mẹ cứ mua cá này cho bọn con ăn, chứ cá đồng ăn mãi bọn con ghét lắm rồi…
\r\n
Lại nhớ ngày đó khó khăn, thiếu thốn. Vở hiếm lắm, phải cắt những tờ thừa dồn lại đóng thành vở mới. Ngày ấy làm gì có ghim. Bố gấp đôi làm cuốn vở tập viết cho tôi, hàng ngang nay lại thành dọc. Cả buổi mẹ ngồi kẻ từng dòng kẻ bằng bút chì cho tôi. Tôi ngồi bên thấy mẹ rưng rưng nước mắt. Hỏi mẹ khóc à, mẹ bảo, hôm qua thức khuya mỏi mắt, giờ chảy cả nước mắt đây này. Vài hôm sau, mẹ đem về cho thêm vở mới, mấy anh em vui mừng nắm tay quây tròn quanh mẹ hò reo, mẹ cũng vui, cười cùng chúng tôi…
\r\n
Mấy chị em rửa bát đã nên lên nhà giục cả nhà đi hát. Ở quê tầm bảy giờ tối thì cũng gọi là muộn. May mà ở làng có quán hát, đỡ phải lên phố huyện. Ở nhà cũng có dàn karaoke nhưng không thích. Với các cháu nhỏ cũng không thích ở nhà, đi quán chúng còn được uống nước ngọt, ăn bim bim và nghịch với nhau nữa…
\r\n
Thực ra còn rất nhiều chuyện về mẹ, nhưng chưa biết viết cái gì trước và cách thức ra sao. Tôi cứ thấy phân vân, khi rảnh rỗi nhất định phải viết, giải thì chắc là không mơ (tất nhiên có giấy chứng nhận khen thưởng về khoe, hẳn mẹ sẽ mừng lắm) nhưng sẽ lưu lại cho con cháu sau này thấy được phần nào hình ảnh của mẹ tôi…
\r\n
Trịnh Ngọc Lâm