Sunday, March 31, 2019

CÁI GIÁ CỦA MỘT ĐỨA TRẺ “NGOAN”


Có thể rất nhiều bậc cha mẹ cảm thấy hoang mang, khó hiểu khi nghe được điều này, thế nhưng theo rất nhiều nghiên cứu và các cuộc khảo sát về tâm sinh lý học đường ở độ tuổi từ 6 đến 15, người ta thấy rằng đa số những đứa trẻ ngoan ngoãn tới mức làm bất kỳ điều gì cha mẹ muốn, trở thành mẫu người mà cha mẹ mong thường có xu hướng nghe theo ý kiến của người khác mà không có quan điểm hay lập trường cá nhân

Trong cuốn sách “4 món quà tặng con” tác giả Barbara Coloroso cũng đã viết rằng, bà thường nghe cha mẹ các thanh niên than phiền: “Bà nhìn con tôi xem, trước đây nó không như vậy, nó luôn là đứa trẻ ngoan, biết cư xử đúng mực, lễ phép, ăn mặc chỉnh tề. Bây giờ thì thật tệ” và bà Barbara đã trả lời rằng: “Thằng bé không hề thay đổi, từ khi còn nhỏ, nó đã mặc những gì bà bảo nó mặc, cư xử theo ý bà, nói những gì bà bảo nó nói. Nó luôn luôn nghe theo những gì người khác bảo nó làm. Bây giờ vẫn vậy, chỉ có điều bây giờ nó nghe lời bạn nó chứ không phải cha mẹ.

Người lớn chúng ta thường cho rằng có được những đứa con ngoan là điều tuyệt vời nhất trên đời, bởi vì chúng chẳng bao giờ gây ra nhiều vấn đề trầm trọng, chẳng phá phách, và cãi lời, chẳng phản bác hay bướng bỉnh. Thế nhưng cơ chế mệnh lệnh - vâng lời này rất có thể gây ra 2 chiều hướng tiêu cực trong sự hình thành nhân cách và tâm lý của 1 đứa trẻ “ngoan”

👉🏻 Thứ nhất: Chúng luôn đeo mặt nạ, che dấu đi cảm xúc thật của mình để làm hài lòng bố mẹ
Nhưng thực chất bên trong là những diễn biến tâm lý phức tạp, những bất mãn luôn luôn được kìm nén, những suy nghĩ mà chúng không bao giờ bộc lộ hoặc không dám bộc lộ; từ đó sinh ra những triệu chứng nổi cáu bất chợt, hoặc xuất hiện những cảm xúc cay đắng không nguôi vì “hư” là một hành vi chúng “không được phép thể hiện”. Rất nhiều chuyên gia cho rằng những diễn biến tâm lý ngầm này vô cùng nguy hiểm vì nó có thể gây ra triệu chứng thần kinh và những hành vi lệch chuẩn ở trẻ mà bố mẹ không thể biết. Cuối cùng chúng không tự kiểm soát được bản thân và đánh mất chính mình

👉🏻 Thứ hai: Chúng sẽ không có quan điểm hay lập trường cá nhân, và chỉ biết làm theo những gì được bảo
Vì ngay từ bé chúng đã được dạy cách vâng lời và làm theo, không được phản bác, cũng không có quyền thay đổi. Chúng không được hình thành tư duy phản biện, cũng không có thói quen tranh luận để giải quyết vấn đề, càng không có khái niệm với việc tự chịu trách nhiệm về hành vi mà chúng gây ra. Kết quả là chúng không mấy khi có tiếng nói trước đám đông hay tập thể, lập trường và quan điểm cá nhân không vững vàng, dễ bị lôi kéo và dụ dỗ, dễ bị ảnh hưởng bởi những thói hư tật xấu, dễ đánh mất bản thân mình.

👉Và rõ ràng cả 2 kết quả trên đều không phải điều mà bất cứ phụ huynh nào mong muốn. Hầu hết chúng ta, trong sâu thẳm, đều mong muốn con cái biết độc lập suy nghĩ, tự chủ trong các mối quan hệ xã hội, bạn bè, quyết đoán hoặc dũng cảm trước mọi thử thách khó khăn.

👉Vì vậy đừng kỳ vọng con luôn luôn vâng lời, mà hãy mong rằng con luôn thành thật với mọi cảm xúc, đừng bắt con trở thành người mà cha mẹ mong, hãy để con làm những gì mà con có thể làm tốt nhất. Đừng áp đặt bằng mệnh lệnh, hãy chỉ bảo bằng lý lẽ và sự kiên nhẫn

👉Thay vì cấm đoán thì hãy định hướng và đưa ra lời khuyên, hãy để cho con tự quyết rồi dạy chúng biết chịu trách nhiệm với mỗi quyết định của mình. Bạn không cần phải lấy tình yêu thương để làm công cụ kiểm soát khiến con trở nên ngoan ngoãn, mà hãy là điểm tựa để con tự tin thể hiện bản thân mình và hoàn thiện nhân cách theo một hướng tích cực nhất

“Trẻ em không phải là thú cưng để thuần dưỡng, cũng không phải chiếc máy tính được lập trình, để cho ra các phản ứng được định sẵn, dựa trên những đầu vào nhất định”

*Sưu tầm*